Xã hội Sa Huỳnh Văn_hóa_Sa_Huỳnh

Đã xác nhận được rằng cách đây gần 3000 năm, trên lưu vực sông Đồng Nai mà lãnh thổ Lâm Đồng là thượng nguồn, có những bộ lạc sinh sống với một nền văn hóa đồng - sắt đã phát triển và có đặc trưng riêng. Có thể nói, các bộ lạc này là tiền thân của các dân tộc bản địa. Sách Lịch sử Việt Nam (Phan Huy Lê chủ biên) cho biết, bấy giờ trên địa bàn của văn hóa Sa Huỳnh có hai bộ lạc sinh sống: Bộ lạc Cau (chữ Phạn là Kramuka vam'sa) cư trú vùng Phú Yên, Khánh Hòa - Ninh Thuận - Bình Thuận trở vào và bộ lạc Dừa (chữ Phạn là Narikela vam'sa) ở vùng Bình Định, Quảng Nam ngày nay. Bộ lạc Dừa từ thế kỷ đầu trước Công nguyên bị nhà Hán đô hộ (cùng thời kỳ với nước Âu Lạc) và đặt tên là huyện Tượng Lâm. Năm 190 - 193, nhân dân Tượng Lâm nổi dậy đánh đuổi người Hán, lập nên nước Lâm Ấp (theo tên gọi của thư tịch cổ Trung Hoa). Bộ lạc Cau, khoảng đầu công nguyên, đã hình thành một tiểu vương quốc riêng có tên là Panduranga (tên Phạn) hay Pan-Rãn (tiếng Chăm cổ), về sau gọi là Chăm Pa, có địa bàn từ Nha Trang - Phan Rang, Phan Thiết ngày nay. Sự ra đời nói trên của dân tộc Chăm, và nhà nước của họ, cho thấy ở Nam Trung bộ Việt Nam thời ấy đã có hai cộng đồng lớn: cộng đồng người Chăm với ngôn ngữ thuộc nhóm ngôn ngữ Malay-Polynesia cư trú vùng ven biển và cộng đồng với ngữ hệ Môn - Khơme (Mạ, Cơ Ho, M'Nông), cư trú vùng núi và Tây Nguyên.